Hội nghị tiếp nhận, chuyển giao và tổng kết Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 37
Ngày 26/12/2017, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS (Dự án VAAC - US.CDC) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án VAAC - US.CDC và chuyển giao, tiếp nhận các hoạt động do Dự án hỗ trợ tại Cao Bằng. Tham dự hội nghị có Ông Chu Quốc Ân - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương; Ông Nguyễn Đức Cường - Cán bộ của Dự án Trung ương phụ trách tỉnh Cao Bằng; Ông Nguyễn Văn Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế; Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thương binh - xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh; Lãnh đạo các Trung tâm y tế tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh/huyện/thành phố, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố và các cán bộ tham gia Dự án VAAC - US.CDC tại Cao Bằng.
Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án VAAC - US.CDC) là Dự án kế tiếp giai đoạn III của Dự án Hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (LIFE - GAP) do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Dự án đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng bắt đầu từ năm 2003 với mục tiêu góp phần giảm sự lây nhiễm HIV thông qua các biện pháp dự phòng có hiệu quả; Cải thiện việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS; Nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Ban Quản lý Tiểu Dự án tỉnh Cao Bằng bao gồm 8 cán bộ giữ vai trò điều phối các chương trình của Dự án, quản lý và chỉ đạo thực hiện các các hoạt động tiếp cận cộng đồng như; tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; chăm sóc điều trị HIV/AIDS người lớn và trẻ em; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chăm sóc giảm nhẹ Lao/HIV; tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; hỗ trợ toàn diện chăm sóc điều trị Methadone; đào tạo tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, phương tiện làm việc cho công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh...

Tính đến tháng 15/12/2017, toàn tỉnh có 2.262 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện tại 26/199 xã, phường, thị trấn; trong đó số còn sống 1.203 người, số tử vong 1.059 người, Từ năm 2010, số trường hợp phát hiện nhiễm HIV có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Cao Bằng có 2 phòng khám ngoại trú được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 2 cơ sở cấp phát thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện việc quản lý và chăm sóc điều trị cho khoảng 600 người nhiễm HIV.

Dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS đã góp phần quan trọng vào công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tuy nhiên từ 01/01/2018, Dự án sẽ kết thúc. Trước tình hình đó, ngành y tế sẽ tiếp tục duy trì và đảm bảo chất lượng cũng như tính bền vững của các hoạt động bằng cách xây dựng và triển khai kế hoạch tiếp nhận, chuyển giao và duy trì các hoạt động từ Dự án VAAC - US.CDC tại Cao Bằng. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục duy trì hoạt động tiếp cận cộng đồng và hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng duy trì thực hiện mô hình trọn gói của Chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Chương trình chăm sóc, điều trị (bao gồm cả phòng khám ngoại trú người lớn, nhi và thuốc nhiễm trùng cơ hội); Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh tiếp nhận Chương trình chăm sóc giảm nhẹ Lao/HIV, tiếp tục cung cấp dịch vụ khám sàng lọc HIV cho bệnh nhân lao và khám chẩn đoán cho bệnh nhân HIV.

Mặt khác, trong thời gian tới, giải pháp để giúp người nhiễm HIV tiếp tục được đảm bảo sức khỏe là tham gia BHYT để được hỗ trợ, chi trả chi phí điều trị. Vì vậy, công tác truyền thông cần đặc biệt được coi trọng để tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Phát biểu tại hội nghị, Thạc sĩ Chu Quốc Ân - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương đánh giá: Từ khi Dự án được triển khai tại tỉnh Cao Bằng đến nay đã hỗ trợ và giúp tỉnh Cao Bằng thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả. Thời gian tới, sau khi Dự án kết thúc, ngành y tế Cao Bằng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hơn khi khối lượng công việc thì nhiều lên, còn kinh phí thì lại ít đi. Những khó khăn chính là: Kết nối phần mềm thanh toán với Bảo hiểm y tế; Đề án đảm bảo tài chính của tỉnh; Đạt được mục tiêu 90-90-90 (có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp). Tuy nhiên, Ông cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết tốt nếu có kế hoạch chi tiết, cụ thể. Đồng thời nhấn mạnh, Dự án VAAC - US.CDC chỉ ngừng hỗ trợ các dịch vụ trực tiếp, vẫn được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong 01 năm nữa nếu Cao Bằng cam kết có Kế hoạch đảm bảo về tài chính và Kế hoạch chuyển giao cụ thể để sẵn sàng tiếp nhận, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động được hỗ trợ từ Dự án.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế cảm ơn, đánh giá cao đóng góp của Dự án VAAC-US.CDC đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Cao Bằng. Trong bối cảnh cắt giảm các nguồn viện trợ, ngành Y tế sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho việc tiếp nhận toàn bộ các hoạt động can thiệp và cung cấp dịch vụ HIV/AIDS do Dự án hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Duy trì kết quả đã đạt được của Dự án; Tiếp tục truyền thông, quảng bá các hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS hiện có; Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS. Đồng chí mong muốn Ban Quản lý dự án Trung ương và Nhà tài trợ CDC tiếp tục hỗ trợ tỉnh Cao Bằng về chuyên môn kỹ thuật và đánh giá sau chuyển giao; Ưu tiên hỗ trợ Cao Bằng về mọi mặt để đảm bảo duy trì các hoạt động của Dự án sau chuyển giao… đảm bảo tính bền vững của các hoạt động đã triển khai tại Cao Bằng.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập