Vai trò của một số vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ
Lượt xem: 421
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển.  

Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ 

Khi nói đến vi chất dinh dưỡng tức là bao gồm nhóm vitamin: A, B, C, D, E,…, tiền chất vitamin như Beta-carotene, Lycopen,…; Nhóm khoáng chất: canxi, phốt pho, kẽm, sắt, i-ốt, selen, đồng,…; Các acid béo: Omega 3, 6, 9,… Toàn bộ các chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật.

Rất nhiều bậc cha mẹ do chưa hiểu đúng về vai trò, nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã bổ sung cho trẻ không đúng, thiếu hay thừa vi chất đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia ,hơn 50% trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi thiếu hụt vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Thiếu vitamin A

Vitamin A có vai trò quan trọng với trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ giác mạc, da, niêm mạc hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, đường hô hấp, khô giác mạc, mù lòa,… Ngoài ra, thiếu Vitamin A còn làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, chậm lớn, sừng hóa da,...

Nhóm Vitamin B: Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa tinh bột và đường. Vitamin B2 có vai trò thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của tế bào. Vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, glucid, lipid. Thêm nữa, vitamin B6, B9, B12 còn tham gia vào quá trình tạo máu nên thiếu các loại vitamin này sẽ gây thiếu máu.

Còi xương do thiếu can xi và vitamin D

Trong cơ thể, can xi có vị trí quan trọng, 98% can xi nằm ở xương và răng, vì vậy rất cần thiết cho phát triển của trẻ. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D, làm giảm hấp thụ can xi  ở ruột, cơ thể sẽ huy động can xi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hoá xương (trẻ quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên, ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng, đầu to, răng mọc chậm, chậm biết đi, lồng ngực dô, biến dạng xương,…) làm giảm chiều cao của trẻ.

Thiếu Omega3, 6, 9

Thiếu những chất này làm trí não của trẻ kém phát triển, đây là các acid béo cần thiết giúp hình thành các nơron thần kinh, giúp cho quá trình hoạt động của não, cần thiết cho sự phát triển thần kinh và thị lực.

Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt

 Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quả trình vận chuyển ôxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em và phụ nữ khi có thai.

Khi bị thiếu máu, cơ thể thường có biểu hiện: da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt, nhợt nhạt. Trẻ thiếu máu kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn. Phụ nữ có thai khi bị thiếu máu làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh của mẹ và con. Bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ sinh con nhẹ cân và dễ bị băng huyết khi sinh.

Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm

Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym của cơ thể. Là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymerasa, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi AND và tổng hợp protein thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Ngoài ra kẽm có vai trò quan trọng tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức.

Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu.

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy thiếu kẽm làm trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ. Nhu cầu kẽm của trẻ dưới 1 tuổi là 8mg/ngày, ở trẻ 1-5 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng khoảng 20mg/ngày (tùy theo mức độ hấp thu).

Bướu cổ do thiếu Iốt: là vi chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp để giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, phát triển hệ xương, đặc biệt là quá trình phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Trẻ bị thiếu  iốt trong thời gian dài sẽ dẫn tới bị đần độn, học kém, chậm lớn, bướu cổ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của trẻ.

Nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là do trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thu vi chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng hoặc những trẻ có hệ miễn dịch kém hay trẻ bị mắc bệnh khiến ăn uống không ngon miệng, gây chán ăn dẫn tới thiếu chất. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất còn gặp ở những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Bên cạnh đó, trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng còn do khẩu phần ăn kém đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn

Để giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trước hết cha mẹ cần phải hiểu đúng tầm quan trọng cũng như nhu cầu của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể trẻ. Đặc biệt chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ tới 24 tháng đầu đời. Cải thiện bữa ăn hàng ngày có sử dụng muối Iốt với đầy đủ 04 nhóm thực phẩm: Protein, Lipid, Glucid, Khoáng chất và các nhóm Vitamin.

Vitamin A: có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, gan, cá, trứng gà, sữa, bơ, kem, các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc...), các loại rau màu thẫm (muống, dền, mùng tơi, ngót, các loại cải), dầu cọ và các loại dầu ăn khác

Sắt: có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: đậu, đỗ các loại rau lá xanh, mộc nhĩ, bột ngũ cốc... và thực phẩm nguồn gốc động vật như: thịt bò, lòng đỏ trứng,tim, gan, cá, ngao, sò, ốc, hến…

 Omega-3, 6, 9: có nhiều trong dầu oliu, dầu cá, dầu vừng, tảo biển,…

Những thực phẩm giàu vitamin D gồm:  dầu gan cá, bột ngũ cốc, sữa.

Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm:  tôm, tép, cua, cá, rau dền, rau mùng tơi, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa...

Các nhóm thực phẩm giàu kẽm như: thuỷ hải sản (hàu, sò, ngao, tôm cua), gan động vật, lòng đỏ trứng và thịt nạc, thực phẩm họ đậu. Với trẻ nhỏ, để có đủ kẽm nên cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sữa bò.

Nguồn Vitamin B: Vitamin B1 có nhiều trong các loại hạt họ đậu. Vitamin B2 có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, sữa, các loại rau, đậu. Vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc. Vitamin B9 có trong các loại rau xanh, nấm, đậu, củ, quả, ngũ cốc, thịt và phủ tạng động vật (gan bò, gan gà), vitamin B12 chủ yếu trong thịt và sản phẩm từ sữa.

Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, vì vậy để chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong các bữa ăn hàng ngày. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn; trẻ trên 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi.

Bảo An

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập