Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị y tế sẵn sàng khám chữa bệnh dịp tết Nguyên Đán
Lượt xem: 41
Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ dài ngày để người Việt Nam tụ hội, xum họp, cúng gia tiên. Tuy nhiên, Tết cũng là dịp lượng bệnh nhân cấp cứu do bệnh tật, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, dịch bệnh thường có xu hướng gia tăng. Do vậy, để đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị cho người dân trong dịp này, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị về thuốc, trang thiết bị, nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.
Để thực hiện đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong dịp tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế có kế hoạch đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin đường dây nóng, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt. Hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham mưu về chuyên môn khi cần thiết.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: có phương án thường trực, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân; Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu trong dịp Tết đều được xử lý, điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Nghiêm túc thực hiện công tác thông tin báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc trong dịp Tết theo hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh.

Bác sĩ CKI Lục Văn Đại - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng yêu cầu các đơn vị y tế tập trung triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động phòng, chống dịch bệnh; Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị chống dịch để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; Đảm bảo cung cấp thuốc, vật tư y tế, máu, dịch truyền để kịp thời xử trí những trường hợp cấp cứu, những vụ hỏa hoạn, tai nạn thương tích…; Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

BVĐK tỉnh là đơn vị có số lượng bệnh nhân cấp cứu, điều trị lớn nhất của tỉnh trong dịp tết Nguyên Đán, do vậy để thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng về việc Tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Giám đốc BVĐK tỉnh đã bám sát với nhiệm vụ chuyên môn, chỉ đạo, bố trí nhân lực, trang thiết bị y tế, điều hành các khoa phòng thực hiện nghiêm túc việc trực tết, thực hiện đảm bảo an ninh, công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau dịp Tết. Tại các khoa: Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc, khoa Chấn thương chỉnh hình thường có số lượng bệnh nhân ra vào tương đối đông do tình trạng tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm tăng đột biến vào những dịp nghỉ Tết, do vậy y, bác sĩ trực phải đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng chuyên môn, nguồn thuốc dự trữ, trang thiết bị phải đạt chuẩn theo quy định. Bác sĩ CKI Phương Đức Cù - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh viện luôn duy trì kíp trực, nguồn nhân lực phải bảo đảm từ 58 – 60 y, bác sĩ, điều dưỡng. Các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao phải trực thường trú để đảm bảo công tác cấp cứu và hỗ trợ cho các khoa phòng khi gặp trường hợp khó cần giải quyết. Trường hợp xảy ra những sự cố lớn cần phải huy động đến toàn bộ kíp trực thì bệnh viện cũng bố trí nguồn trực dự phòng”.

Song song với việc đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh tại các bệnh viện trong toàn tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được ngành Y tế quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt là phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) ở người, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh Tay - Chân - Miệng, ho gà... và các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa Đông - Xuân. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Tập trung tăng cường công tác giám sát dịch tễ để kịp thời phát hiện sớm ca bệnh, đặc biệt là những ca bệnh đầu tiên, không để bùng phát dịch. Bố trí nguồn nhân lực, củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Quang Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khẳng định: Trung tâm đã kiện toàn 2 đội cơ động để sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực. Chỉ đạo, hướng dẫn tuyến huyện tăng cường, giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như: cúm, tả và bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương. Giám sát chặt chẽ các bệnh lây truyền từ người sang người như cúm gia cầm, hoặc từ lợn sang người. Phối hợp với cơ quan thú y giám sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn cho người dân về vệ sinh cá nhân và ATVSTP. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch, chuẩn bị máy, vật tư, hóa chất... sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra”.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân không vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, hoặc không rõ nguồn gốc; Không ăn thức ăn sống, không uống rượu bia khi tham gia giao thông; Tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các trạm y tế xã, phường, thị trấn việc thực hiện trực tại trạm y tế trong dịp Tết, Lễ; Đồng thời, lập kế hoạch đảm bảo đủ thuốc, dịch truyền và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh trước, trong và sau dịp Tết. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đẩy mạnh; Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến các bệnh mùa đông xuân và một số dịch bệnh trong dịp tết và mùa lễ hội.

Với sự chuẩn bị chu đáo và chủ động, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng phục vụ người dân đến khám chữa bệnh, điều trị… trước, trong và sau dịp nghỉ Tết. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo với người dân: để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người cần sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng; Không vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, hoặc không có nguồn gốc rõ ràng; Giữ ấm cho cơ thể trong những ngày giá rét để tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp đặc biệt là người già và trẻ nhỏ; Hạn chế sử dụng rượu bia, đặc biệt là khi tham gia giao thông để tránh tối đa tai nạn có thể xảy ra… Từ đó giúp người dân đảm bảo đón tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 an toàn.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập