TỔNG QUAN NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN SỐ HIỆN NAY CỦA CỘNG ĐỒNG ASEAN
Lượt xem: 32
1. Quy mô dân số lớn thứ 3 thế giới và tiếp tục tăng

Cộng đồng ASEAN được thành lập năm 1967 với 5 thành viên và dân số 185 triệu người. Đến năm 1999, có 10 thành viên với dân số 581 triệu người. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2015, dân số cộng đồng chung ASEAN hiện nay là 634 triệu người, chiếm 8,6% tổng dân số thế giới. Cộng đồng chung ASEAN có quy mô dân số lớn thứ 3 thế giới, sau hai siêu cường dân số là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo đến năm 2030, cộng đồng chung ASEAN sẽ có khoảng 725 triệu người và sẽ tăng lên 793 triệu người vào năm 2050.
Trong cộng đồng, Indonesia có quy mô dân số lớn nhất (và đứng thứ tư trên thế giới) với gần 258 triệu người; Việt Nam đứng thứ ba với hơn 92 triệu người và quy mô dân số nhỏ nhất là Brunei với chưa đầy nửa triệu người. Dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, vào năm 2030, quy mô dân số Việt Nam 105 triệu người và năm 2050 là 113 triệu người.

2. Mật độ dân số

Theo Liên hợp quốc, mật độ dân số của cộng đồng chung ASEAN là 146 người/km2, gần bằng 1/3 mật độ dân số thế giới nhưng chỉ bằng 1/6 so với mật độ dân số châu Á. Mật độ dân số đông nhất là Singapore hơn 8 ngàn người/km2. Thưa thớt nhất là Lào khoảng 30 người/km2. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 của cộng đồng với 273 người/km2, (theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2014).

3. Chuyển đổi nhân khẩu mạnh mẽ trong 3 thập kỷ tới

Tháp dân số của cộng đồng chung ASEAN cho thấy có sự khác biệt lớn giữa năm 2015 với 2050. Năm 2015, mức sinh còn cao (trung bình 2,4 con/1 phụ nữ 15-49) nên tháp có hình tam giác với đáy tháp lớn và thu hẹp dần theo các nhóm tuổi lên đến đỉnh. Đến năm 2050, mức sinh giảm xuống chỉ còn 1,94 con/1 phụ nữ 15-49 nên tháp có hình trụ.
Nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) giảm từ 26,5% năm 2015 xuống 22,8 % năm 2030 và còn 19,5% năm 2050. Trong khi đó nhóm dân số già (65+ tuổi) lại tăng từ 5,94% năm 2015 lên 9,9% năm 2030 và lên đến 15,6% vào năm 2050.

4. Mức sinh cao, rất khác biệt nhưng xu hướng giảm

Theo Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ, số con trung bình của một phụ nữ ASEAN trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay là 2,4 con, nhưng có sự khác biệt lớn: Lào 3,1con (quá cao), Singapore: 1,3 con (quá thấp). Dự báo của Liên hợp quốc mức sinh của ASEAN sẽ giảm xuống 2,1 con vào năm 2030 và xuống còn 1,94 vào năm 2050.
5. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, nhu cầu phương tiện tránh thai lớn
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) của cộng đồng chung ASEAN là 62%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 54%. Tỷ lệ này khá cao tại một số quốc gia thành viên như Thailand (78,5%), Việt Nam (76,8%) nhưng vẫn còn thấp tại một số quốc gia như Myanmar (52%), Lào (53,6%).
Hiện nay, ASEAN có hơn 170 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sẽ tăng lên hơn 182 triệu vào năm 2030, như vậy ASEAN đã, đang và sẽ đối mặt với nhu cầu phương tiện tránh thai ngày càng lớn và đa dạng. Theo tính toán sơ bộ của Liên hợp quốc và USAIDS, năm 2030 ASEAN cần 16 triệu dụng cụ tử cung, 450 triệu vỉ viên uống tránh thai, 600 triệu liều thuốc tiêm/cấy, 900 triệu chiếc bao cao su. Đó thực sự là một thách thức không nhỏ của ASEAN.

6. Lực lượng lao động khổng lồ cho tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, nhóm dân số trong độ tuổi lao động 15-64 của ASEAN hiện có khoảng 428 triệu người, chiếm 67,5% tổng dân số và sẽ tăng lên khoảng 488 triệu người vào năm 2030 và lên khoảng 515 triệu người vào năm 2050. Tuy nhiên tỷ trọng trong tổng dân số lại giảm xuống 67,3% (năm 2030) và xuống còn 64,9% (năm 2050) do mức sinh giảm và tỷ trọng người cao tuổi tăng. Với dân số trong độ tuổi lao động khổng lồ (gần bằng quy mô dân số của cả EU), cùng với thị trường có sức mua lớn thứ 3 thế giới, ASEAN thực sự là điểm hút các dòng đầu tư nước ngoài.
Năm 2014, kim ngạch thương mại ASEAN đạt 2,529 tỷ USD (Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với 294 tỷ USD), GDP bình quân đầu người là 10,700 USD. Là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và thứ 3 châu Á.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015, chỉ số nguồn vốn con người của các thành viên ASEAN khá cao (Chỉ số này được xem xét chủ yếu dựa vào các yếu tố nhân khẩu học, việc làm, giáo dục). Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về thứ hạng (trên tổng số 124 nền kinh tế thế giới) giữa các thành viên: Singapore xếp thứ 24/124 thì Myanmar xếp thứ 112/124. Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 5 khu vực.

7. Di cư ngày càng lớn

Báo cáo năm 2015 của Tổ chức Lao động quốc tế, ASEAN có khoảng hơn 10 triệu người di cư quốc tế, trong đó di cư nội khối là 6,8 triệu người. Lao động di cư bao gồm cả lao động có kỹ năng cao và ít kỹ năng. Năm 2012, có khoảng 53 ngàn sinh viên ngoại quốc sinh sống và học tập tại Singapore. Con số này cao gấp 13 lần so với ở Việt Nam.
Tuy nhiên, di cư cũng tiềm ẩn các nguy cơ, thách thức về an ninh nhất là trong bối cảnh các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và cả khủng bố vẫn dai dẳng diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, ác liệt hơn. Một vấn đề vô cùng nóng bỏng trong năm qua của ASEAN là cuộc khủng hoảng di cư với hàng ngàn người Bangladesh, Myanmar đến Thailand, Malaysia hay Indonesia.

8. ASEAN với nỗi lo già hóa dân số

ASEAN sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào những năm 2030 với khoảng 72 triệu người cao tuổi và con số này sẽ lên đến 124 triệu người cao tuổi vào năm 2050. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với ASEAN.
Theo báo cáo năm 2015 của Liên hợp quốc, ASEAN hiện có hơn 59 triệu người từ 60+, chiếm 9,3% tổng dân số khu vực. Năm 2050 sẽ tăng lên 24% và trở thành khu vực dân số già. Ba thành viên đang già hóa hiện nay sẽ trở thành siêu già là Singapore, Thailand và Việt Nam trong khi các thành viên khác đều sẽ ở giai đoạn già hóa hoặc dân số già.
Tỷ trọng người cao tuổi tăng lên nhanh chóng trong khi trình độ phát triển kinh tế-xã hội, y tế, an sinh xã hội còn ở mức nhất định sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các thành viên và cả cộng đồng ASEAN.

9. Mức chết của bà mẹ, trẻ em còn cao và rất khác biệt

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế năm 2015, trong 1 ngàn trẻ sinh ra sống số trẻ dưới 1 tuổi tử vong tại Singapore 2,2 trẻ và tại Lào lên tới 54 trẻ. Nếu tính tử trẻ dưới 5 tuổi thì tại Singapore 3 trẻ và tại Lào lên tới 72 trẻ.
Tỷ số tử vong bà mẹ (tính trên 100 ngàn trẻ đẻ sống) cũng rất khác biệt: tại Lào có tới 220 bà mẹ tử vong trong thời kỳ mang thai và sinh nở trong khi tại Singapore chỉ có 6 bà mẹ tử vong.
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi của Lào là 43,8% và tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân 14,8%. Trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ này tương ứng là 19,4% và 5,1% nhưng tỷ lệ béo phì trẻ em ở Việt Nam cũng lên tới 4,6% (năm 2013). Đây thực sự là một thách thức lớn của Lào, Cambodia, Myanmar nói riêng và của ASEAN nói chung trong nỗ lực giảm mức tử vong bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cộng đồng, giảm sự quá khác biệt giữa các thành viên.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập