Hỏi đáp về chăm sóc sức khỏe sinh sản Người cao tuổi
Lượt xem: 31
Xu hướng chung của thế giới là già hóa dân số ngày càng tăng lên. Do vậy việc chăm sóc Người cao tuổi (NCT) nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng để tạo cho NCT có cuộc sống khỏe mạnh, sống vui, sống có ích là rất
Ban Biên tập xin giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin, kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăm sóc sức khỏe NCT để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Bao gồm: Chăm sóc thể chất - Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Chăm sóc dinh dưỡng - Chăm sóc tinh thần.

Tại sao NCT dễ mắc bệnh ?

Trả lời:

Sức đề kháng NCT kém đi, thường mắc nhiều bệnh tật là do các cơ quan, bộ phận của cơ thể bị già hóa, thực hiện chức năng không còn tốt nữa. Tốc độ già hóa của mỗi người là khác nhau và ở mỗi người thì tốc độ già hóa của các bộ phận cũng khác nhau. Vì vậy, biểu hiện bệnh tật ở NCT thường không điển hình. Ở NCT, ranh giới giữa sinh lý (quá trình hóa già tự nhiên) với bệnh lý thường không rõ ràng, dễ bỏ qua ... nên việc theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường là một việc làm cần thiết.

Để phòng tránh được bệnh tật NCT cần vận động, tập luyện như thế nào ?
Trả lời:

Để phòng ngừa hoặc làm chậm tiến trình của bệnh tật, cách tốt nhất đối với mỗi người là tập luyện ngay từ khi còn trẻ tuổi. NCT vận động và tập luyện đều đặn giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Tập luyện giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, loãng xương... Điều cần chú ý là NCT cần tập luyện như thế nào ?
Có thể bắt đầu bằng các bài tập thể dục buổi sáng đều đặn, tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, vận động tay chân, xoa bóp các cơ bắp.
Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc công viên, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh ngoài trời gần nhà để vừa tập lại có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học tập kinh nghiệm trong nhóm NCT về cách giữ gìn, bảo vệ sức khỏe.
Đi bộ: là một trong những biện pháp tập luyện tốt nhất có lợi cho hệ tim mạch. NCT nên đi bộ khoẳng 15 - 30 phút mỗi ngày vafddeeuf đặn 3 - 5 ngày trong tuần, tùy thuộc vào sức khỏe từng người.
Chạy chậm: cũng là hình thức tập luyện phù hợp với NCT nhưng phải tuân theo nguyên tắc cơ abrn là luyện tập vừa sức chứ không gắng sức, luôn duy trì nhịp độ thích hợp với bản thân; nếu thấy còn sức thì tăng vận động bằng kéo dài thời gian chạy chứ không tăng tốc độ chạy; những người bắt đầu chạy trong hai ba tháng đầu không nên chạy quá 5 phút mỗi ngày.
Bơi: là phương pháp luyện tập toàn thân và thích hợp nhất với NCT. Lưu ý: NCT nên bơi chậm, bơi trong thời gian ngắn là hợp lý.

Tại sao NCT hay bị ngã ?

Trả lời:

NCT rất hay bị ngã. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 25 - 35% người trên 54 tuổi bị ngã hàng năm. Ở Việt Nam, năm 2015 số người trên 65 tuổi chiếm 7,1 % (khoảng 6,5 triệu người) và như vậy ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 1,8 - 2,2 triệu NCT bị ngã.
Vậy tại sao NCT dễ bị ngã ? Lý do là chức năng của cơ quan vận động ở NCT giảm đi rõ rệt. Cơ teo và yếu, bộ phận thần kinh kiểm soát dáng đi bị kém hoạt động nên kém phản ứng với các tình huống xảy ra trong sinh hoạt, dề mất thăng bằng, sẽ càng nặng nề hơn khi NCT bị sa sút trí tuệ, giảm thị lực. NCT mắc các bệnh mãn tính liên quan đến cơ quan vận động như thoái hóa khớp, viêm khớp càng làm cho việc đi lại khó khăn và càng dễ bị ngã hơn. Ngoài ra, nơi ở, điều kiện sống không an toàn như nhà chật chội, nền trơn, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng, nuôi súc vật nhiều ... dễ tác động gây tai nạn cho NCT. Hậu quả nghiêm trọng nhất của ngã là gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi là rất nặng nề. Xương của NCT dễ bị gãy là do bị loãng xương. Số NCT bị bệnh loãng xương chiếm tỷ lệ khá cao. Gãy xương gây ra nhiều biến chứng và để lại di chứng tàn tật, tốn rất nhiều tiền của cho quá trình chăm sóc và điều trị.

Làm gì để phòng tránh ngã ở NCT ?

Trả lời:

Để giúp phòng tránh ngã cho NCT cần phối hợp nhiều biện pháp với nhau.
Thứ nhất, phải sắp xếp bố trí nơi ở sao cho thuận tiện và phù hợp với sức khỏe NCT, bao gồm thông thoáng nhà cửa, chống trơn nền nhà và đặt thảm ở những nơi nền trơn ướt, trong nhà vệ sinh để phòng bị trượt; nên bố trí nhà vệ sinh gần phòng ngủ; đảm bảo nhà đủ ánh sáng, lắp thêm đèn ở những chỗ đi lại bị tối; không thả súc vật như chó, mèo trong nhà; tránh để trẻ em nô đùa xô đụng người già ngã; giày dép cho NCT phải vừa chân, đế thấp, nhẹ, mềm và đễ xỏ chân; nên có dụng cụ trợ giúp khi đi lại như gậy, ba toong, ghế đi, đặc biệt cần cho NCT mắt kém, bị bệnh khớp, yếu cơ.
Thứ hai, tăng tập luyện vừa phải, chế độ dinh dưỡng hợp lý đề phòng loãng xương và suy dinh dưỡng ở NCT. Tập luyện làm cơ rắn chắc hơn, giữ thăng bằng tốt hơn khi đi lại. NCT nên đi khám sức khỏe và tư vấn bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với sức khỏe của mỗi người.

NCT hay mắc những bệnh gì ?

Trả lời:

NCT thường hay mắc nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Tình trạng mắc hai bệnh trở lên là khá phổ biến. Các bệnh thường gặp nhất là bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, thiểu năng động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não); bệnh về xương khớp (đau xương khớp, thoái hóa khớp bao gồm cả khớp ở tay chân và khớp cột sống thắt lưng, bệnh gút); bệnh hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi); rối loạn chức năng chuyển hóa và chức năng các cơ quan nội tạng biểu hiện bằng thay đổi một số chỉ số về máu (tăng cholesterol, men gan, đường máu); tiêu hóa kém hoặc bệnh (viêm loét miệng, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng); bệnh hệ tiết niệu - sinh dục; đặc biệt là u xơ hoặc ung thư tuyến tiền liệt; giảm khả năng trí tuệ biểu hiện là trí nhơ kém, hay quên, mắc một số bệnh như Parkinson, trầm cảm; nghe kém hoặc điếc; da khô, nứt nẻ, ngứa...

Huyết áp là gì ?

Trả lời:

Huyết áp (HA) là áp suất trong động mạch, được tạo bởi sức đẩy của tim và sức ép của thành động mạch. Đơn vị đo áp suất áp suất trong động mạch là milimet cột thủy ngân. HA thường được biểu thị bằng hai chỉ số (ví dụ 120/80 mmHg): số 120 là HA tâm thu, thể hiện lực đẩy máu từ tim khi tim co bóp, số 80 là HA tâm trương, thể hiện lực căn của thành mạch.
Một người được coi là tăng HA khi đo HA lúc bình thường (không có yếu tố nào tăng HA như chạy nhảy, vận động mạng, lao động nặng nhọc, uống rượu bia hay cà phê) trị số HA đo được tăng lên 20 mmHg so với trị số HA bình thường của người đó.
Khi đo HA, muốn có một trị số tin cậy, người được đo phải nghỉ ngơi 10 - 15 phút trước khi đo và thường đo HA ở tay trái.
Trị số HA bình thường: HA tâm trương bình thường là 80-84; còn 85-89 là hơi cao và từ 90 trở lên là cao; HA tâm thu bình thường là 120-129; còn 130-139 là hơi cao và từ 140 trở lên là cao.
HA của mỗi người thay đổi tùy theo lứa tuổi, vì vậy để xác định thực sự một người bị bệnh tăng HA, cần đi đến bác sĩ khám để được chẩn đoán chính xác và được chữa trị sớm, phòng những hậu quả của HA cao.

Phòng ngừa cao huyết áp như thế nào ?

Trả lời:

Phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, trong đó có tăng HA có cùng một nguyên tắc chung là thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh, gồm: không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thân thể hợp lý.
Chế độ ăn uống hợp lý phòng tăng HA: đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm đạm, đường béo và khoáng chất với tỷ lệ cân đối.
Ngưng hút thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa cao HA.
Bớt uống rượu, không uống các loại rượu mạnh: rượu có nồng độ cồn cao làm tăng HA, ngoài ra, rượu làm giảm tác dụng của thuốc hạ HA.
Tăng hoạt động thể lực: thời gian hoạt động thể lực (mức độ trung bình hoặc nặng) tối thiểu mỗi ngày là 30 phút. Lối sống tĩnh tại làm tăng nguy cơ bị béo phì, vì vậy cần tăng cường vận động và tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội. Người ít vận động thể lực cần dàng thời gian cho tập thể sục, thể thao mỗi ngày 30-45 phút, 3-4 lần/tuần. Các hoạt động thể dục có thể làm giảm HA tâm thu xuống 4-8mmHg. Các tập luyện nặng như cử tạ có tác dụng làm tăng HA vì vậy nên tránh.

Thế nào là tai biến mạch máu não ở NCT ?


Trả lời:

Tai biến mạch máu não là tên gọi chung cho tình trạng biến đổi ở mạch máu não gây tổn thương ở não làm người bệnh bị tê liệt, hôn mê, thậm chí tử vong ngay. Tai biến mạch máu não có thể là tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não. Tai biến mạch máu não rất nguy hiểm, khó lường được các hậu quả trước mắt và lâu dài. Bệnh thường gặp ở NCT.

Cách phòng tránh tai biến mạch máu não ở NCT ?

Trả lời:

Phòng tai biến mạch máu não bằng cách phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tai biến và điều trị sớm một cách có hiệu quả để kiểm soát các yếu tố nguy cơ đó, hạn chế khả năng gây tai biến; Nguy cơ lớn nhất là bệnh tăng HA. Phát hiện sớm tăng HA bằng cách định kỳ đo HA, mỗi người cần biết số đo HA bình thường của mình để kịp thời phát hiện HA tăng.
Ở tuổi trên 60, cần tự theo dõi HA ít nhất 1lần/tuần ; khi đã bị tăng HA cần theo dõi thường xuyên chỉ số HA. NCT cần duy trì chỉ số HA ở mức 140/90 mmHg. Lưu ý rằng, ở người bệnh tăng HA chỉ số HA rất giao động, tăng giảm thất thường, đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên, suốt đời.
Sắp xếp thời gian biểu điều độ (nghỉ ngơi, ngủ và tập luyện, làm việc). Tránh căng thẳng thần kinh, nên tự kiềm chế trước mọi tác động từ bên ngoài gây căng thẳng tâm lý.
Nếu bị tăng HA, dùng thuốc hạ áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh cần điều trị lâu dài nên người bệnh cần tư vấn thầy thuốc để điều chỉnh việc dùng thuốc; chọn thuốc và thời điểm uống thuốc cho thích hợp với tình trạng giao động HA của mỗi người.
Tiếp tục duy trì thực hiện tốt việc phòng ngừa tăng HA. Định kỳ làm các xét nghiệm máu (mỡ máu, đường máu) để chữa trị kịp thời nếu phát hiện bất thường.

(Còn tiếp kỳ sau)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập